Trang chủ / Sức khỏe và bệnh lý trẻ em » NHIỀU TRẺ EM MẮC BỆNH ĐƯỜNG HÔ HẤP

NHIỀU TRẺ EM MẮC BỆNH ĐƯỜNG HÔ HẤP

Những ngày gần đây, thời tiết chuyển mùa, nhiệt độ tăng dần nên nhiều trẻ mắc bệnh hô hấp, đặc biệt là bệnh cúm.

          Chiều 4/4, tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi có gần 70 trẻ mắc các bệnh thủy đậu, tay chân miệng, viêm não, đặc biệt rất nhiều trẻ mắc cúm đang nằm điều trị. So với những ngày trước khi nắng nóng, trung bình tại khoa chỉ điều trị khoảng dưới 40 trẻ. Trong số trẻ đang điều trị tại khoa có tới trên 20 trẻ bị mắc cúm. Khác với những năm trước trẻ vào viện điều trị do nhiễm virus cúm A, thì thời gian gần đây  tại khoa hầu hết trẻ mắc cúm B. Bác sĩ Nguyễn Đình Công, phó trưởng khoa Truyền nhiễm cho hay: “Cúm B là bệnh truyền nhiễm lành tính lây truyền qua đường hô hấp do chủng virus cúm B. Trẻ nhiễm bệnh thường có biểu hiện chảy nước mũi, hắt hơi, hơi sốt tuy nhiên gần đây trẻ vào điều trị tại khoa thường có dấu hiệu nặng như: ho nhiều, sốt cao, viêm cơ, viêm phổi. Một số gia đình chủ quan tự ý điều trị tại nhà hàng tuần không đỡ mới cho nhập viện dẫn tới viêm phổi đã tiến triển nặng. Mặc dù khi vào khoa trẻ được điều trị tích cực ngay, song nhiều trường hợp trẻ cũng phải nằm điều trị hàng tuần thậm chí dài hơn…"

Khí dung hỗ trợ điều trị cho trẻ tại khoa Hô hấp

          Khoa Hô hấp cũng đang chật kín các giường bệnh với trên 90 trẻ đang điều trị, thậm chí có ngày cao điểm lên tới trên 100 trẻ tăng trên 20 trẻ so với thời gian trước khi chớm hè. Khoa bố trí kê tăng thêm giường bệnh để trẻ không phải nằm ghép. Trong số bệnh nhân đang điều trị có gần 40% số trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) tập trung ở nhóm trẻ dưới 2 tuổi. Phần lớn trẻ nhập viện trong tình trạng muộn, gia đình thường đi khám, điều trị tại nhà, sau hàng tuần không đỡ mới đưa đi khám và phải nhập viện. Bác sĩ Trần Thị Ngọc Yến, phó trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi cho biết: Có tới trên 90% số trẻ gia đình đã điều trị tại nhà, nhiều cháu gia đình đã dùng nhiều ngày thuốc kháng sinh không đỡ mới đưa vào viện điều trị dẫn tới cháu đã bị viêm phổi nặng, một số bé phải thở oxy. Ngoài ra nhiều trẻ đang điều trị tại khoa mắc viêm phổi do vi khuẩn, viêm phế quản, hen phế quản, viêm thanh quản…Việc phần lớn các gia đình lạm dụng kháng sinh điều trị tại nhà cho trẻ gây hiện tượng nhờn thuốc, khó khăn cho các bác sĩ trong khoa khi tiến hành điều trị cho trẻ. Trẻ đáp ứng thuốc chậm, các bác sĩ tại khoa phải làm kháng sinh đồ lựa chọn kháng sinh phù hợp với vi khuẩn kháng thuốc.

Trẻ mắc cúm đang điều trị tại khoa Truyền nhiễm

          Nguyên nhân chính trẻ nhập viện đông hiện nay thời tiết giao mùa, nóng lạnh thất thường, độ ẩm không khí cao điều kiện lý tưởng virus, vi khuẩn tấn công trẻ làm trẻ nhiễm bệnh do sức đề kháng yếu hơn người lớn. Khuyến cáo của bác sĩ Yến khuyến cáo các bà mẹ có con nhỏ cần chú ý chăm sóc sức khỏe cho trẻ bằng việc dinh dưỡng hợp lý nâng cao thể trạng, vệ sinh cá nhân, chân tay, mũi họng hàng ngày. Nên để trẻ tiếp xúc với môi trường thông thoáng, hạn chế việc chăm sóc con quá kỹ lưỡng, ít cho tiếp xúc với môi trường bên ngoài mà chỉ ở trong nhà hoặc phòng kín. Khi trẻ có biểu hiện quấy, khó chịu, nước mũi, sốt nhẹ…cần lựa chọn những cơ sở y tế uy tín hoặc các đơn vị khám chữa bệnh để được xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên gây bệnh do virus, vi khuẩn, nhiễm lạnh…để có biện pháp điều trị và đơn thuốc sử dụng phù hợp. Đơn cử như trẻ nhiễm virus hoặc cảm lạnh gây bệnh sẽ không cần dùng kháng sinh vi virus thường trẻ sẽ tiến triển khoảng 5-7 ngày trẻ sẽ đỡ và khỏi. Tuy nhiên khi trẻ bị nhiễm vi khuẩn sẽ được các bác sĩ kê đơn và sử dụng thuốc kháng sinh phù hợp sẽ giúp trẻ nhanh khỏi và không bị kháng thuốc.

          Hiện thời tiết đang là thời điểm lý tưởng để nhiều dịch bệnh phát sinh gây dịch, đặc biệt nguy cơ tiềm ẩn bùng phát nhiều bệnh truyền nhiễm như: sởi, thủy đậu, cúm, sốt phát ban, tay chân miệng, quai bị…ngành y  tế khuyến cáo mọi người cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ thông thoáng, tiêm chủng vắc xin đầy đủ, thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân giữ bàn tay và cơ thể sạch, chế độ dinh dưỡng hợp lý…Đặc biệt đối với các nhà trường cần tăng cường công tác truyền thông, vệ sinh lớp học, đồ dùng cho trẻ bằng chất sát khuẩn, phát hiện và cách ly kịp thời trẻ có biểu hiện mắc bệnh… 

Nguồn tin: Tin tức - Sở Y tế Hải Dương

 

Bài viết liên quan

Thời gian làm việc

  • Hành chính: 7h00 - 16h30 (thứ 2 - 6)
  • Khám & Cấp cứu: 24/24
Bài viết mới