Hiện nay, dịch bệnh đau mắt đỏ đang diễn biến phức tạp trên các tỉnh thành trong cả nước, mỗi ngày cả nước đều ghi nhận hàng nghìn bệnh nhân mắc đau mắt đỏ, Bệnh đau mắt đỏ hay còn được gọi là viêm kết mạc. Người bệnh đau mắt đỏ thường có biểu hiện rất điển hình như: đỏ mắt, ngứa mắt, mắt tiết nhiều ghèn, chảy nước mắt, cảm giác có cộm như mắt, mi mắt đau nhức, sưng nề. Một số người bệnh còn có triệu chứng đau họng, ho, nổi hạch sau tai, mệt mỏi, sốt nhẹ… Bệnh thường lành tính, ít gây biến chứng. Tuy nhiên, nếu người bệnh chủ quan không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giác mạc làm giảm thị lực. Hơn nữa, đau mắt đỏ có thể gây ra một số biến chứng khác nếu bệnh kéo dài hoặc điều trị không đúng cách, bệnh gây viêm, loét giác mạc và thậm chí dẫn đến mù lòa.
Theo ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Hải Dương, trong tháng 8 và tháng 9, Bệnh viện tiếp nhận rất nhiều ca bệnh đau mắt đỏ , xu hướng sẽ còn tiếp tục gia tăng. Mặc dù đây được nhận định là bệnh không nguy hiểm, song cần phòng tránh để giảm thiểu các tác động ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống, học tập cho nhân dân trên địa bàn thành phố.
Nắm bắt được tình hình phức tạp, Bệnh viện Nhi Hải Dương đã phối hợp cùng với Bệnh viện mắt và da liễu Hải Dương tổ chức buổi tập huấn do bác sĩ Hoàng Đức Hiếu - chuyên khoa mắt trực tiếp giảng dạy. Tham dự buổi tập huấn, cán bộ, y bác sỹ tại Bệnh viện được cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh viêm kết giác mạc do vi rút; một số lưu ý khi sử dụng thuốc trong điều trị viêm kết giác mạc; tập trung thảo luận, trao đổi kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh đau mắt đỏ.
Để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ, bác sĩ Hoàng Đức Hiếu khuyến cáo: người dân cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…; Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường; Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh; Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ; Người bệnh, người nghi bị bệnh đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác để tránh lây nhiễm cho người xung quanh và lây lan ra cộng đồng; đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời, không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế để tránh biến chứng nặng; qua đó góp phần bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
Một số hình ảnh trong buổi tập huấn:
Phòng Kế hoạch tổng hợp